Nhiều người trẻ hưởng ứng bữa ăn xanh lành mạnh

Thay vì "cơm hàng, cháo chợ", nhiều bạn trẻ đã tự tay chuẩn bị bữa trưa lành mạnh nơi công sở để kiểm soát cân nặng và sức khỏe.

Tự làm "bác sĩ" dinh dưỡng cho chính mình

Những ngày giãn cách khiến nhiều bạn trẻ nhận ra nấu ăn cho chính mình có nhiều điều thú vị bởi thức ăn do mình tự tay chuẩn bị có thể giúp bản thân dễ dàng kiểm soát cân nặng cũng như điều chỉnh một chế độ ăn khỏe mạnh.

Nguyễn Thiên Kim (nhân viên văn phòng tại quận 1, TP.HCM) kể rằng trước kia, Kim thường cùng đồng nghiệp ăn trưa ngoài hàng quán. Giờ đây, Kim mang theo đồ ăn, đơn giản vì cô muốn lấy dáng chuẩn cho những ngày Tết sắp đến.

"Ban đầu thật khó khăn. Tôi đánh vật cả giờ mới xong bữa cơm. Nhưng chỉ 3 tuần là "quen tay", có thể vừa trông nồi cơm, vừa sơ chế rau củ", Thiên Kim nói và khoe thêm cô đã giảm được hơn 5kg nhờ chế độ ăn lành mạnh và phù hợp với cơ thể.

Một bữa cơm trưa tự chuẩn bị của dân văn phòng giúp họ kiểm soát được lượng dinh dưỡng nạp vào để có sức khỏe tốt hơn. Ảnh minh họa: Shutterstock

Đặng Hoàng Anh (làm việc tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cũng từ bỏ thói quen ăn ngoài. "Trước đây, thèm gì ăn nấy, chẳng bao giờ để tâm xem bữa ăn của mình có thừa thiếu chất gì không, cứ ngon miệng là ăn thôi. Thế nên mình bị quá cân", Hoàng Anh nhớ lại.

Chàng trai trẻ sau đó tìm thông tin trên mạng, mua khá nhiều sách, tìm hiểu kĩ về tác động của thực phẩm đối với sức khỏe. Giờ anh đã giảm được gần 10kg, mặt hầu như không còn mụn trứng cá.

"Mọi người thường hỏi sao kiên trì thế? Nhưng khi nhìn thấy hiệu quả mà việc ăn uống lành mạnh mang lại thì mình không còn muốn quay lại lối sống trước kia nữa. Không ai hiểu cơ thể mình bằng chính mình. Mình phải học làm 'bác sĩ dinh dưỡng" cho chính mình', Hoàng Anh chia sẻ.

Yên tâm với bữa ăn "xanh"

Nhìn chung, những người mang cơm ăn trưa ở văn phòng không hề thấy bất tiện mà ngược lại, họ có thêm thời gian nghỉ trưa, không phải la cà hàng quán và còn kiểm soát được việc ăn uống của mình.

Khi quyết định tự nấu bữa trưa, Thiên Kim chú trọng tới thành phần dưỡng chất, nguồn gốc thực phẩm. Cô lựa chọn chế độ ăn giàu ngũ cốc, rau xanh, trái cây, sữa đậu nành; còn đạm động vật duy trì ở mức thấp bởi đường ruột của cô vốn kém.

Hoàng Anh một ngày cũng tiêu thụ rất nhiều rau xanh, trái cây và đạm thực vật. "Tôi quan niệm ăn uống lành mạnh không có nghĩa là phải kiêng quá nhiều thứ mà là dùng nhiều loại thực phẩm khác nhau, cân bằng và đầy đủ các nhóm chất cho cơ thể", Hoàng Anh bật mí.

Anh chàng cũng cho biết, một tuần anh có thể ăn hơn 60 loại rau củ quả. Buổi sáng, một li nước ép của Hoàng Anh có tới 6 loại rau trái như ổi, quýt, dưa leo, rau sam, mùi ta và cà rốt. Các loại hạt chứa dầu như hạt điều, lạc... có nhiều chất béo lành mạnh và omega sẽ được anh ưu tiên. Nhóm đường bột thì có bánh mì nguyên cám, gạo lứt, bún lứt. Riêng nhóm chất đạm sẽ lấy từ các loại đậu hạt giàu protein như đậu nành, đậu xanh, đậu đen...

       Chế độ ăn giàu ngũ cốc, rau xanh, sữa đậu nành... lành mạnh với nhiều người. Ảnh minh họa: Pepagora

Nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy 100 gram đậu nành chứa lượng đạm cao hơn cả 100 gram thịt gà hay thịt lợn. Vì thế sữa đậu nành, đậu phụ là những món khá thường xuyên xuất hiện trong thực đơn của người ăn dinh dưỡng thực vật.

Thiên Kim cho biết cô đã tập thói quen bổ sung đạm theo dạng này với một hộp sữa đậu nành Fami mỗi bữa xế. Cô cũng dùng sữa đậu nành nguyên vị cho một số món xúp như xúp bí đỏ, xúp khoai tây, cháo yến mạch... thay thế cho sữa bò nguyên kem. Vị béo giảm đi nhưng bù lại sẽ thanh mát hơn. "Tôi chọn sữa đậu nành Fami của Vinasoy vì là thương hiệu uy tín, tiện lợi, nên cũng yên tâm hơn", Thiên Kim chia sẻ.

          Món xúp bí đỏ nấu với sữa đậu nành thay vì sữa bò có vị thanh đạm, tốt cho sức khỏe. Ảnh: Shutterstocks

Một nghiên cứu công bố mới đây trên tạp chí Gut do Tiến sỹ Jordi Merino - chuyên gia tại Khoa Đái tháo đường và Trung tâm Y học Hệ gene thuộc Bệnh viện Đa khoa Massachusetts, đồng thời là giảng viên y khoa Trường Y Harvard thực hiện trên 592.571 tình nguyện viên, với 31.831 người trong số đó mắc Covid- 19, cho thấy những người có chế độ ăn lành mạnh dựa trên thực vật có ít nguy cơ mắc Covid-19 hơn hoặc nếu mắc thì các triệu chứng ít nghiêm trọng hơn.

Xu hướng dinh dưỡng thực vật, ăn xanh - sống xanh được dự đoán sẽ trở nên phổ biến hơn trong tương lai, đồng thời trở thành một trong những giải pháp lành mạnh giúp chúng ta cải thiện sức khỏe cũng như đối mặt với những cuộc khủng hoảng tương tự như đại dịch Covid-19 này.